Trong những năm trở lại đây, cụm từ “thời đại công nghệ 4.0” liên tục được nhắc đến trên mọi phương tiện truyền thông. Cụm từ ấy khiến nhiều cha mẹ lo lắng, rằng nếu không chuẩn bị từ sớm, con sẽ dễ bị tụt hậu với bè bạn, khó kiếm được việc làm tốt. Để chuẩn bị thật tốt cho sự nghiệp tương lai của con, cha mẹ nên chú ý đến 10 kỹ năng cần thiết nhà tuyển dụng tìm kiếm trong thời đại mới như sau:
1. Khả năng giải quyết vấn đề phức tạp (Complex Problem Solving)
Công nghệ phát triển nhanh chóng, khiến cho các công việc đơn giản ngày một được tự động hoá nhiều. Để được săn đón trong thị trường lao động, người trẻ cần có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Đó là khả năng tìm ra được lời giải thuyết phục cho các vấn đề thực tế đòi hỏi tư duy mới mẻ, sáng tạo mà máy móc không thể xử lý được. Ví dụ như lên chiến lược cho nhiều năm tới của công ty, phát triển sản phẩm mới, đề xuất chiến dịch truyền thông sáng tạo…
2. Tư duy phản biện (Critical Thinking)
Tư duy phản biện là việc suy nghĩ một cách khách quan, tránh để cảm xúc ảnh hưởng đến tư duy, nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong công việc. Nhiều bạn trẻ lúc mới đi làm bị nhà tuyển dụng phàn nàn: họ để cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến công việc, thường hoảng sợ trước những vấn đề khó, nổi đoá khi bị phê bình. Nếu rèn luyện được tư duy phản biện, người trẻ sẽ bình tĩnh hơn trong công việc, tiếp cận mọi vấn đề bằng logic khách quan, chắc chắn được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
3. Sáng tạo (Creativity)
Sáng tạo là khả năng liên tưởng và kết hợp những thứ cũ để ra những thứ mới. Trên thương trường đầy cạnh tranh, sự mới mẻ là điều mọi doanh nghiệp mong mỏi nhằm biến sản phẩm của họ trở nên hấp dẫn và độc đáo trong mắt người tiêu dùng. Đó là lý do tại sao ngành truyền thông hay giải trí, vốn rất cạnh tranh với vô vàn đối thủ đưa ra những thứ mới hàng ngày, là các ngành đòi hỏi gắt gao tính sáng tạo.
4. Quản trị nhân sự (People Management)
Quản trị nhân sự là khả năng khích lệ tinh thần, định hướng và phát triển kỹ năng của đồng nghiệp cũng như chọn ra người phù hợp nhất cho từng công việc. Không chỉ dành cho người ở cấp quản lý, kỹ năng quản trị nhân sự còn cần thiết cho mọi công việc hàng ngày như phân công với đồng nghiệp, khích lệ tinh thần họ trong công việc, phối hợp với đồng nghiệp ra sao mà có thể tận dụng được kỹ năng của cả đôi bên…
5. Phối hợp với mọi người (Coordinating with Others)
Kỹ năng phối hợp với mọi người hay kỹ năng teamwork là khả năng hợp tác, thấu hiểu nhu cầu của người khác và theo đó mà điều chỉnh bản thân để hoà hợp. Đây là kỹ năng bắt buộc trong hầu hết công việc ngày nay, vốn cần phải được giải quyết bởi nhiều người từ nhiều phòng ban khác nhau. Nhiều bạn trẻ cực kì hiệu quả khi làm việc cá nhân, nhưng vì thiếu kỹ năng phối hợp, thường khó làm việc với đồng nghiệp, khiến chất lượng công việc tụt dốc.
6. Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence)
Trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc bản thân, để đối mặt với những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người với người trong công việc. Chỗ làm vốn là nơi nhiều áp lực, dễ sản sinh bất hoà. Người trẻ cần có trí tuệ cảm xúc để giữ tinh thần ổn định nhằm xử lý được những bất hoà đó. Ví dụ như bị sếp phê bình, cãi nhau với đồng nghiệp, tranh chấp với khách hàng…
7. Khả năng đánh giá và đưa ra quyết định (Judgement & Decision-making)
Khả năng đánh giá và đưa ra quyết định là khả năng phân tích logic thông tin nhận được, từ đó đưa ra hành động hợp lý, dứt khoát, xử lý được vấn đề. Nhiều bạn trẻ sở hữu kỹ năng phân tích logic nhưng lại thiếu sự quyết đoán, dám làm dám chịu để đưa ra được quyết định trong thời gian ngắn. Kỹ năng là điều nhà tuyển dụng có thể rèn luyện được, nhưng những phẩm chất như dứt khoát, quyết đoán thì lại khó rèn hơn. Bạn trẻ nào sở hữu những phẩm chất đó sẽ rất được săn đón.
8. Tư duy dịch vụ (Service Orientation)
Tư duy dịch vụ là tư duy chủ động giúp đỡ mọi người xung quanh trong công việc. Người có tư duy dịch vụ tích cực hỗ trợ đồng nghiệp dù đó không phải việc của họ, nhằm xây dựng mối quan hệ bền vững giữa đôi bên. Những bạn trẻ thiếu tư duy dịch vụ, thường chỉ biết việc của mình, ít quan tâm đến đồng nghiệp, tất nhiên sẽ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Họ nhanh chóng bị cô lập và không được tập thể để tâm tới.
9. Kỹ năng đàm phán (Negotiation)
Đàm phán là kỹ năng trao đổi, thảo luận và thuyết phục người khác để đôi bên cùng đi tới một thoả thuận chung có lợi cho cả hai. Mọi người hay lầm tưởng kỹ năng này chỉ dành cho cấp bậc quản lý hay lãnh đạo công ty, tuy nhiên đây là lại một kỹ năng được áp dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày như đàm phán với đồng nghiệp về phân chia công việc, đàm phán với đối tác về điều khoản hợp đồng, đàm phán với sếp về lương thưởng…
10. Khả năng linh hoạt trong tư duy (Cognitive Flexibility)
Khả năng linh hoạt trong tư duy là khả năng suy nghĩ nhanh nhạy, xử lý vấn đề hiệu quả, tránh khuôn mẫu. Trong thời đại 4.0 khi mà mọi thứ thay đổi từng ngày, tư duy “máy móc” của nhiều bạn trẻ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý công việc. Nhà tuyển dụng cần những người ứng biến nhanh nhạy với công việc thực tế, chứ không thể mãi chạy theo hướng dẫn các bạn ứng viên.