Trong hàng thập kỷ qua, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đã phát triển và bùng nổ mạnh mẽ, giúp xứ sở chùa vàng được biết đến với biệt danh “Detroit của châu Á” (Bang Detroit, Mỹ là kinh đô sản xuất ôtô của thế giới). Vậy đâu là lý cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan?
Bí quyết thành công của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan
Thị trường nội địa - Át chủ bài cho sự phát triển mạnh mẽ
Ông Banja Junhasavasdikul - Chủ tịch điều hành Innovation Group, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện cao su và polymer cho ngành công nghiệp xe hơi hàng đầu Thái Lan - cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi của Thái Lan được hình thành đầu tiên từ thị trường nội địa. Trong 3 thập kỷ qua, Thái Lan áp thuế nhập khẩu 80% lên ôtô và 60% lên xe máy để giữ các nhà máy sản xuất ở lại trong nước.
Thị trường nội địa - Át chủ bài cho sự phát triển mạnh mẽ
Nói cách khác, nhờ bảo vệ thị trường này, xe hơi Thái Lan mới có thể đi xa như hiện nay.
Từ những năm 1990, khi chính phủ Thái bắt tay xây dựng ngành CNHT với một loạt chính sách. Việc đầu tiên là họ tăng thuế mạnh với xe nhập khẩu cũng như đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, đường xá.
Những tuyến đường trên cao với nhiều làn được hình thành nhằm giảm tắc đường, sẵn sàng cho các làn xe hơi số lượng lớn chạy trên đường. Các siêu thị, chung cư khi lên kế hoạch xây dựng đều phải thiết kế có garage đậu xe; cây xăng muốn mở phải đủ rộng (bao gồm shop tiện lợi + toilet) để xe vào đổ xăng có thể dừng nghỉ ngơi…
Chính sách này nhằm đảm bảo những chiếc xe sản xuất tại Thái Lan được người Thái ưu tiên sử dụng và có nơi để chạy được.
Trong ngành sản xuất, cơ quan quản lý công nghiệp của quốc gia này còn tính thuế trên % linh kiện, phụ tùng nội địa hoá của chiếc xe ôtô.
Những bộ phận mà các nhà máy lắp ráp nhập khẩu tất nhiên vì thế thuế suất sẽ bị đánh cao. Chính nhờ chính sách này mà các nhà sản xuất xe hơi ở Thái luôn tìm cách nâng tỉ lệ nội địa hóa các xe lắp ráp, hòng cắt giảm chi phí sản xuất xe hơi.
Đây là nền tảng để đưa Thái Lan trở thành “Detroit của châu Á” ngày nay. Thậm chí ngày nay, khi người Thái đang đau đầu với nạn kẹt xe kinh doanh, chính sách khuyến khích người dân mua xe hơi, đổi xe hơi vẫn được chính phủ nước này duy trì.
“Chính phủ cho rằng tạo được thị trường nội địa thì các hãng xe mới có thể tồn tại được. Một khi tìm được đầu ra tiêu thụ sẽ kích thích nhu cầu sản xuất, kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ khác phát triển. Bằng chứng là chỉ có khoảng 20% các linh kiện phụ tùng sản xuất của các nhà máy trong ngành công nghiệp hỗ trợ xe hơi dùng để xuất khẩu, 80% còn lại là phục vụ các nhà máy sản xuất xe hơi trong nước”, ông Banja Junhasavasdikul nói.
Vị chuyên gia này cho rằng các nhà sản xuất chuỗi công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan đều cho biết họ đang hướng đến thị trường Việt Nam như một điểm mới rất hấp dẫn các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới.
Với sự tăng trưởng phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây, nhu cầu mua xe hơi của Việt Nam rất cao, lượng tiêu thụ xe tăng nhanh chóng. Những hãng xe hơi lớn, xịn nhất trên thế giới đều hiện diện ở thị trường này.
“Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước tiên phải có thị trường nội địa. Không thể sản xuất rồi kỳ vọng xuất khẩu tất cả. Việt Nam đang có sức mua nhưng các chính sách thuế lại không ủng hộ người dân sở hữu xe hơi. Trong khi, hạ tầng vẫn là bài toán của Việt Nam”, ông Banja Junhasavasdikul phân tích.
Mảnh đất “vàng” cho các nhà đầu tư nước ngoài
Bên cạnh sự phát triển của thị trường nội địa, chính phủ Thái Lan cũng có nhiều chính sách thuế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty đặt chi nhánh tại nước này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tới 8 năm. Tại một số nơi ở như trung tâm sản xuất ôtô Rayong - nơi GM và Ford đặt nhà máy, Thái Lan thậm chí giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới 50%.
Thái Lan cũng phân bổ các bến cảng và sân bay ở vị trí thuận tiện với hoạt động xuất khẩu. Không giống tại Indonesia và các thị trường cạnh tranh khác, nước này sản xuất hầu hết phụ tùng ôtô ở trong nước - với khoảng 1.500 nhà cung cấp, vì vậy không cần nhập khẩu.
Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do với 9 quốc gia thuộc ASEAN cũng mang lại lợi thế cho Thái Lan. Theo đó, các nhà sản xuất ôtô tại nước này được hưởng thuế suất 0% hoặc giảm đáng kể khi xuất khẩu trong khu vực ASEAN.
Một lợi thế lớn khác của Thái Lan là có chi phí lao động rẻ hơn so với các quốc gia phát triển và Trung Quốc, dù không rẻ bằng những quốc gia Đông Nam Á xung quanh. Tuy nhiên, lực lượng lao động của nước này được đánh giá là có kỹ năng và kinh nghiệm.
“Điều này giúp Thái Lan thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh với một số thị trường như Việt Nam hoặc Indonesia - những nơi cũng có chi phí lao động thấp”, Maxfield Brown, một giám đốc tại Dezan Shira & Associates, nhận xét.
Những thách thức đặt ra dành cho ngành công nghiệp ô tô Thái Lan lúc này
Theo Bangkok Post, năm 2019 đang mang đến nhiều thách thức để kiểm chứng năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, khi một số quốc gia trong khu vực đang tập trung phát triển ngành ô tô để chiếm lĩnh thị trường nội địa.
1. Thị trường cho ô tô “Made in Thailand” đang dần thu hẹp
Ông Surapong Paisitpatanapong - phát ngôn viên của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại Thái Lan vẫn ở mức trung bình. Đây chính là lý do khiến các hãng ô tô tại Thái Lan luôn tập trung vào phân khúc ô tô phổ thông có mức giá phải chăng, thay vì những dòng xe sang ngập tràn công nghệ. Đặc biệt, phân khúc xe thể thao đa dụng cỡ nhỏ SUV/Crossover, cũng như một số dòng xe sinh thái được sản xuất ở Thái Lan đang dần gia tăng trong năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Surapong Thái Lan gặp phải sự cạnh tranh rất lớn đến từ các nước có ngành công nghiệp ô tô đang phát triển trong khu vực như Việt Nam, Indonesia… Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tại Indonesia 3.876 USD/người/năm. Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Indonesia đang hướng đến phân khúc xe giá rẻ. Đặc biệt, Chính phủ Indonesia đang có những chính sách ưu tiên phát triển xe xanh giá rẻ nhằm thu hút đầu tư tư các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản.
Trong khi đó, cùng với sự xuất hiện của thương hiệu VinFast ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có những bước tiến. Theo kế hoạch, những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu VinFast sẽ được sản xuất, phân phối ra thị trường từ tháng 9.2019. Ngoài ra, VinFast cũng đang sản xuất các phương tiện khác, bao gồm ô tô điện, xe buýt điện và xe máy điện… đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô trong năm tới. Vì vậy, theo ông Surapong Paisitpatanapong “Cả Việt Nam và Indonesia đang nỗ lực phát triển ngành ô tô, bảo vệ thị trường nội địa nên sẽ rất khó để Thái Lan xuất khẩu ô tô sang hai quốc gia này trong tương lai”.
Thị trường cho ô tô “Made in Thailand” đang dần thu hẹp
Năm 2019, FTI dự báo ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ đạt sản lượng sản xuất 2,15 triệu xe. Trong đó 1,05 triệu xe sẽ được bán tại thị trường nội địa, số còn lại sẽ xuất khẩu sang các thị trường ô tô trên thế giới. Tuy nhiên, ông Surapong Paisitpatanapong cho biết việc xuất khẩu ô tô từ Thái Lan sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2019.
Bất chấp tình trạng khan hàng được giải quyết sau khi ô tô hưởng thuế nhập khẩu 0% từ Thái Lan, Indonesia… ồ ạt tràn về, mặt bằng giá bán một số mẫu ô tô nhập tại Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, thị trường châu Âu đang tạm dừng nhập khẩu ô tô từ Thái Lan. Nhiều hãng xe đang tập trung đầu tư sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đó xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, theo ông Surapong Paisitpatanapong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực và có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
2. Đa dạng hóa ngành sản xuất linh kiện
Năm 2018, ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Thái Lan vẫn đang phát triển ổn định và dự kiến đạt mức tăng trưởng từ 5 - 8% trong năm 2019. Tuy nhiên, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô cũng tỏ ra lo ngại về định hướng dài hạn của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.
Bà Achana Limpaitoon - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan cho biết: “Trong khoảng thời gian từ năm 2019 -2020, các nhà sản xuất phụ tùng nội địa vẫn có thể xuất khẩu sang các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn lo lắng về ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa áp dụng chính sách thuế quan mới đối với ô tô và phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, một khi Mỹ hành động, các nhà xuất khẩu linh kiện Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng”.
Ngoài thị trường Mỹ, Thái Lan vẫn đang xuất khẩu phụ tùng ô tô các thị trường khác như Châu Phi, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam… Tuy nhiên, theo dự báo của bà Achana Limpaitoon ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan sẽ có thể suy yếu bắt đầu từ năm 2021, khi xu hướng chuyển đổi từ ô tô dùng động cơ đốt trong sang ô tô điện phổ biến hơn.
“Xu hướng phát triển ô tô điện sẽ thay đổi cuộc chơi của ngành công nghiệp ô tô thế giới, đồng thời khuyến khích các công ty đầu tư, nghiên cứu, sản xuất phụ tùng ô tô công nghệ cao. Chúng tôi không thể tránh xu hướng này. Nó sẽ khiến một số bộ phận trở nên lỗi thời” bà Achana chia sẻ thêm.
Chính điều này, đòi hỏi các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan sẽ phải nâng cao công nghệ, tìm kiếm các lĩnh vực mới cho sản phẩm của họ như sản xuất thiết bị điện tử thông minh… Hiện tại, Thái Lan đang từng bước triển khai đề án về việc xây dựng các cụm công nghiệp mới tập trung vào công nghệ cao.
Có thể thấy, hàng loạt những chính sách lớn nhằm bảo đảm cho sự phát triển của cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, Thái Lan đã là nhà sản xuất ôtô lớn thứ 12 thế giới và lớn nhất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, với những khó khăn thách thức đặt ra trước mắt, dự báo ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ đầy biến động trong thời gian sắp tới.
Nguồn: https://news.oto-hui.com