Bất kể bạn muốn não bộ hoạt động tốt hơn hay muốn duy trì sự minh mẫn hiện tại, bạn luôn có thể đạt được điều đó bằng cách rèn luyện trí não. Một số phương pháp thực hiện bao gồm cải thiện kỹ năng tư duy và sử dụng từ ngữ, chơi trò chơi, giao tiếp, không ngừng học hỏi và chăm sóc bản thân. Chắc hẳn bạn sẽ không nhận được kết quả sau một đêm, nhưng sau vài tháng áp dụng các phương pháp này, bạn sẽ nhận thấy kỹ năng ghi nhớ của mình cải thiện rõ rệt.
Phần 1: Cải thiện kỹ năng tư duy và sử dụng từ ngữ
1. Đọc nhiều hơn. Đây là một bài tập rèn luyện trí não tuyệt vời. Bạn có thể đọc báo, tạp chí hoặc sách, nhưng hãy nhớ rằng nội dung càng khó thì não bộ sẽ được vận động càng nhiều. Tương tự như mọi hình thức tập luyện khác, bạn sẽ bắt đầu đọc trong khoảng thời gian ngắn trước và sau đó tăng dần thời lượng.
Hãy đọc các loại sách dạy bạn những điều mới mẻ, chẳng hạn như sách về lịch sử hoặc chủ đề khác mà bạn quan tâm.
2.Tăng vốn từ vựng. Bạn cũng có thể học từ mới qua sổ học một từ mới mỗi ngày hoặc từ điển. Đây là cách rèn luyện vùng ngôn ngữ trong não bộ của bạn.
Bạn có thể viết từ mới ở đâu đó dễ thấy, chẳng hạn như trên bảng trắng đặt ở nhà bếp hoặc trên giấy ghi nhớ dán ở bàn làm việc. Hãy chọn từ khó đọc và khó vận dụng để bạn có thể tận dụng tối đa hiệu quả của bài tập này mỗi ngày.
3. Viết lách. Đây là việc đòi hỏi bạn phải suy nghĩ rất nhiều! Bạn có thể sáng tác truyện, viết lại những điều đã xảy ra với mình, hoặc viết về chủ đề bất kỳ mà bạn biết và yêu thích!
4. Học ngôn ngữ mới. Việc học ngôn ngữ là một cách kích thích não bộ và mở thêm nhiều đường dẫn truyền thần kinh. Đây là cách rèn luyện vùng não lưu trữ thông tin ngôn ngữ và thậm chí cải thiện khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của bạn.
Học ngôn ngữ cho bạn cơ hội học thêm nhiều điều mới mẻ và thử thách não bộ. Kể cả khi bạn chỉ học vài từ hoặc câu mới trong một ngôn ngữ thì bạn vẫn đang rèn luyện trí não.
5. Tìm giải pháp mới cho vấn đề cũ. Hãy thử đưa ra những giải pháp khác cho vấn đề nào đó trong ngày và khám phá kết quả. Như vậy, bạn sẽ sáng tạo hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn.
6. Tắt tivi. Các chương trình tivi thường điều khiển suy nghĩ và cách nghĩ của bạn; điều đó có nghĩa là não bộ của bạn được chuyển sang chế độ vận hành tự động. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy rất thư giãn khi xem tivi! Nếu bạn muốn đánh bay sự trì trệ của não bộ, việc đầu tiên bạn cần làm là tắt tivi. Nếu bạn thực sự muốn xem tivi, hãy để trí não hoạt động trong khi xem. Bạn nên chọn xem các chương trình mang tính giáo dục, và nếu bạn muốn xem nội dung phổ biến, đừng quên chọn chương trình có bối cảnh phức tạp hoặc có sự tương tác nhân vật. Như vậy, bạn sẽ có cơ hội vận dụng trí não trong khi xem tivi và có thể phân tích hoặc đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hủy dịch vụ truyền hình cáp hoặc vệ tinh và chỉ xem những nội dung mang tính giáo dục trên mạng. Bạn có thể xem được rất nhiều video cung cấp kiến thức trên mạng và qua các dịch vụ trả phí.
7. Sử dụng tay không thuận. Hãy dùng tay trái nếu bạn thuận tay phải hoặc dùng tay phải nếu bạn thuận tay trái. Đây là cách kích thích vùng não kiểm soát cơ bắp của bạn.
8. Học chơi nhạc cụ. Học chơi nhạc cụ hoặc học hát là một cách thử thách trí não hữu hiệu vì bạn được tham gia vào quá trình học hỏi lâu dài. Bạn có thể đến các lớp học, tự học qua video, tham gia nhóm như dàn đồng ca để tìm hiểu âm nhạc.
Hãy thử học chơi đàn ukulele. Đây là loại nhạc cụ dễ học và có rất nhiều câu lạc bộ dành cho những người chơi loại nhạc cụ này.
Phần2
1. Rèn luyện trí não thông qua những trò chơi
1. Chơi trò chơi ô chữ và giải câu đố mỗi ngày. Những trò thách đố cơ bản như giải ô chữ tạo cơ hội cho não bộ vận động nhẹ nhàng. Đây là những hoạt động có thể dễ dàng thực hiện trong này. Hơn nữa, mạng internet cũng có nhiều trò chơi ô chữ và câu đố miễn phí.
2.Giải những câu đố phức tạp hơn. Những câu đố phức tạp và “khó nhằn” đòi hỏi não bộ phải hoạt động mạnh hơn. Đôi khi bạn sẽ mất từ vài ngày đến một tuần để giải câu đố, nhưng kết quả hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của bạn. Mặc dù vậy, đừng chỉ giải những hình thức đố truyền thống, hãy thử loại hình đố bỏ túi của Nhật Bản để não có thể hoạt động hết công suất trong khi bạn rảnh rỗi.
3. Chơi cờ vua. Cờ vua là trò chơi trí tuệ có tính chiến lược cao. Xét về khả năng rèn luyện trí não, rất ít loại hình đố nào có thể vượt qua cờ vua. Cờ vua cũng là một trò dễ học và dễ chơi.
Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ cờ vua ở địa phương để có thêm cơ hội thử tài và học hỏi từ những người chơi có nhiều kinh nghiệm hơn.
4. Chơi trò chơi điện tử ở mức vừa phải. Bạn đã từng nghe nói đến việc chơi trò chơi điện tử ở mức vừa phải thực sự có thể giúp bạn thông minh hơn chưa? Những trò chơi thử thách như Mario, Zelda, Scribblenauts và Myst là những bài tập cardio hữu hiệu cho não bộ, giúp bạn giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và suy nghĩ nhanh hơn.
Phần 3: Giao tiếp nhiều hơn
1. Trò chuyện với người khác. Hãy trao đổi với người khác về những điều mà bạn hoặc họ biết. Việc thảo luận vấn đề chính trị, tôn giáo và những chủ đề thử thách khác (thảo luận thay vì chỉ tranh luận) là một hình thức rèn luyện trí não cơ bản.
Bạn có thể tham gia nhóm như Toastmaster vì chủ đề tại đây rất đa dạng.
2. Tham gia nhóm những người có cùng sở thích. Hãy tham gia nhóm hoặc câu lạc bộ dành cho những người có cùng mối quan tâm như bạn. Đó có thể là nhóm sở thích, nhóm chính trị, nhóm thảo luận hoặc bất kỳ nhóm nào. Trò chuyện với người có cùng mối quan tâm là cách giúp bạn sử dụng trí não và kỹ năng của mình.
3. Không dùng điện thoại khi bạn trò chuyện với người khác. Điện thoại có thể khiến bạn mất tập trung trong khi trò chuyện với người khác; vì vậy, hãy tập thói quen không dùng điện thoại trong khi giao tiếp. Bạn có thể đặt điện thoại ở một phòng khác hoặc tắt nguồn điện thoại trong khi trò chuyện với bạn bè. Đây là cách giúp bạn tập trung vào cuộc trò chuyện và cải thiện kỹ năng giao tiếp.
4. Tham gia hoạt động tình nguyện. Công việc tình nguyện không chỉ giúp bạn gặp gỡ nhiều người hơn mà còn tạo ra những đường dẫn truyền thần kinh mới trong não. Bạn có thể tham gia hỗ trợ tại các bếp ăn từ thiện, trung tâm bảo trợ động vật, bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.
Phần 4: Không ngừng học hỏi
1. Đi học. Đây là cơ hội tuyệt vời để rèn luyện trí não, và việc học cũng có ích cho bạn. Bạn không cần phải học để có thêm một học vị khác. Công ty chủ quản của bạn có thể sẽ hỗ trợ tài chính để bạn học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hoặc bạn có thể tham gia một khóa học về chủ đề mà mình quan tâm.
2. Tham gia các khóa học miễn phí. Nếu không có thời gian hoặc tiền bạc, bạn vẫn có thể tham gia nhiều khóa học trực tuyến miễn phí. Một số trường đại học hàng đầu như Harvard cũng có các khóa học miễn phí. Hãy thử Coursera, Khan Academy hoặc thậm chí Ted Talks để trải nghiệm việc học đại học mà không tốn phí.
Bạn có thể tham gia khóa học miễn phí tại trường cao đẳng hoặc đại học ở địa phương. Một số cơ sở giáo dục có các khóa học miễn phí dành cho sinh viên lớn tuổi.
3. Thường xuyên sử dụng các kỹ năng đã có. Tương tự như cơ bắp, não bộ cũng cần vận động để phát triển. Nếu bạn không sử dụng thông tin và kỹ năng nào đó trong khoảng thời gian dài, những gì bạn có sẽ dần mai một. Hãy thường xuyên vận dụng các kỹ năng cơ bản như làm toán để duy trì và có thể sử dụng chúng bất kỳ lúc nào.
Bạn nên thực hành các kỹ năng đã lâu không dùng đến như làm đồ gỗ, đan len, may vá hoặc sửa chữa đồ gia dụng.
4. Làm quen với sở thích mới. Học kỹ năng mới cũng là một cách rèn luyện trí não. Các kỹ năng sáng tạo như âm nhạc, khiêu vũ và nghệ thuật thị giác sẽ rèn luyện những vùng khác nhau của não và đem đến nhiều lợi ích tuyệt vời.
5. Tạo ra thứ gì đó. Bất kể bạn muốn lắp rô-bốt hay chiếc ghế mới cho phòng khách của mình, việc động não để làm ra thứ gì đó (từ con số không mà không có hướng dẫn) là một cách vận động hiệu quả. Hãy học một số kỹ năng xây dựng cơ bản và rèn luyện trí não thông qua sự sáng tạo thực tế.
Hãy thử “tự tay làm hết” để học kỹ năng mới và tạo ra sản phẩm của riêng bạn.
Phần 5: Giữ gìn sức khỏe
1. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Việc ăn uống và tập luyện có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của não bộ. Nếu bạn muốn tối ưu hóa năng lực trí não, hãy chọn chế độ ăn uống lành mạnh, giàu đạm và axit béo omega-3 để có thể nuôi dưỡng não bộ. Ngoài ra, bạn đừng quên uống nhiều nước. Việc tập luyện cũng giúp cho cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ đột quỵ và tăng độ bão hòa ô-xi.
2. Chơi thể thao. Hãy tập vận động hoặc học chơi một môn thể thao mới để tăng khả năng phối hợp của tay-mắt và cơ thể, chẳng hạn như thái cực quyền và pinball.
3. Ngủ đủ giấc. Các nhà khoa học khám phá ra rằng giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe của não bộ. Trong khi bạn ngủ, cơ thể thải độc tố ra khỏi não (song song với việc phục hồi). Nếu bạn muốn bảo vệ não, hãy cố gắng ngủ đủ giấc mỗi đêm.
4. Thay đổi lịch trình của bạn. Hãy thử đi những đoạn đường khác với thường ngày để não bộ không bị trì trệ sau khi trải qua một ngày với lịch trình quen thuộc. Bạn cũng có thể thay đổi cách làm việc, chẳng hạn như ngồi làm việc trên quả bóng tập luyện hoặc thử hoạt động khác.
Lời khuyên
- Khi tập thể dục, bạn nên tập đi lùi (ngược với hướng mà bạn thường đi) để kích thích não bộ.
- Nhớ vận động thân thể - cơ thể khỏe mạnh tạo ra tâm trí khỏe mạnh. Vì vậy, bạn nên vận động thường xuyên.
- Thường xuyên làm một số việc như ghi nhớ thứ gì đó hoặc chơi Rubik 15 phút mỗi ngày.
- Có rất nhiều chương trình giúp bạn cải thiện trí nhớ. "Brain Age" hoặc "Big Brain Academy" dành cho Nintendo DS được nhiều người khuyên dùng và rất thú vị. Đây là những trò chơi được thiết kế để cải thiện trí nhớ, tăng khả năng phản xạ và tư duy.
- Tương tự như những bộ phận khác trên cơ thể, não bộ cũng cần được nghỉ ngơi. Não luôn hoạt động, nhưng việc tập trung vào một điểm hoặc thiền thực sự có thể thả lỏng tâm trí để não bộ có cơ hội được thư giãn và sau đó hoạt động hiệu quả hơn. Nhắm mắt và nghe nhạc không lời nhẹ nhàng khoảng 10-15 mỗi ngày cũng là một cách hữu ích.
- Cách bạn nói phản ánh suy nghĩ của bạn; vì vậy, hãy “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói. Đây là cách cải thiện kỹ năng nói của bạn.
- Uống nhiều nước.