Kỹ năng đàm phán là những yếu tố cho phép hai hoặc nhiều bên đạt được thỏa hiệp. Đây thường là những kỹ năng mềm và bao gồm các khả năng như giao tiếp, thuyết phục, lập kế hoạch, chiến lược và hợp tác. Hiểu những kỹ năng này là bước đầu tiên để trở thành một nhà đàm phán hiệu quả. Vậy, đâu là những yếu tố cần thiết để nâng cao kỹ năng đàm phán? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Tại sao phải đàm phán? Đàm phán để làm gì?
Giống như trước khi bước vào một cuộc chiến, bạn phải xác định được mục tiêu của mình là gì, thì khi bước vào bàn đàm phán bạn cũng cần vạch rõ đâu là những điều mình cần phải đạt được khi kết thúc đàm phán (và sẽ chỉ kết thúc khi đạt được những điều này). Xác định rõ ngay từ ban đầu, bạn sẽ dễ dàng hơn trong quá trình đàm phán, bởi bạn sẽ biết được đâu là những điều có thể nhượng bộ, đâu là những điều nhất định phải đạt được để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc, cuộc đàm phán sẽ đi theo những hướng khác ngoài tầm kiểm soát, không phải rõ ràng như bạn xác định ban đầu. Chẳng hạn, bạn dự tính nhất định phải đạt được A, có thể nhường đối phương B, nhưng nếu bạn được đề nghị nhận B+ và từ bỏ A, phương án mới này không ảnh hưởng nhiều lắm đến mục tiêu của bạn, thì rõ ràng một sự linh hoạt là cần thiết để có thể kết thúc đàm phán trong “thắng lợi”.
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Một trong những kỹ năng đàm phán cần thiết khác đó là phải thật sự nhạy bén trong việc nhận biết được mục tiêu của đối phương. Bởi lẽ, cũng như đã phân tích, đối phương cũng sẽ có những điều có thể và không thể nhượng bộ. Biết được những điều này (tất nhiên chỉ là một phần nào đó, theo dự đoán của bạn), bạn sẽ có những phương án “tác chiến” thích hợp để giành được kết quả cao nhất.
Để biết được điều này, bạn cần kỹ năng lắng nghe tích cực. Lắng nghe tích cực liên quan đến khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể cũng như giao tiếp bằng lời nói. Hãy lắng nghe bên kia để đi đến thỏa hiệp. Thay vì dành phần lớn thời gian trong đàm phán thể hiện những ưu điểm của quan điểm của mình, các nhà đàm phán lành nghề sẽ dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe.
Kiểm soát cảm xúc
Một yếu tố quan trọng khác để đàm phán thành công là bạn cần có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Đàm phán về các vấn đề nhạy cảm có thể khiến bạn khó chịu và buông lỏng cảm xúc sẽ khiến tình tình càng tệ hơn. Điều này nhiều khả năng sẽ dần đến kết quả tiêu cực. Chẳng hạn, trong khi thỏa thuận với nhà cung cấp, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi họ quyết không giảm giá. Tuy nhiên, hãy tránh bộc lộ cảm xúc này và giữ bình tĩnh bằng mọi giá.
Thương trường không phải chiến trường
Điều này ngày càng trở nên thiết thực hơn trong quản trị kinh doanh hiện đại, hiểu rõ điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn hiểu rõ một trong những kỹ năng đàm phán trong kinh doanh quan trọng. Bởi lẽ, khái niệm “win-win” (mọi người cùng thắng) đang ngày càng trở nên phổ biến trên thương trường. Một cuộc đàm phán kết thúc tốt đẹp không nhất định (và cũng không nên) là một cuộc đàm phán phải có kẻ thắng người thua. Kinh doanh hiện đại ngày nay đang dần chú trọng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, vì mục tiêu cùng có lợi nhuận, và chiến thắng của người này không nhất định phải xây trên thất bại của người khác.
Hãy là “người chèo thuyền”
Nếu khái niệm “mọi người cùng thắng” được so sánh với hình ảnh 2 bên cùng ngồi trên một con thuyền hướng về đích, thì điều quan trọng tiếp theo là nên “biết chèo thuyền”. Trong một cuộc đàm phán, bạn hãy làm chủ cuộc giao tiếp, hướng nó đi theo ý của mình, đừng là người “chạy theo”. Để có thể làm được điều này không hề dễ dàng một chút nào, nó đòi hỏi bạn phải thật sự là một người khéo léo, có sức thuyết phục, giao tiếp “cực tốt” cũng như phải cực kì tâm lí trong mọi tình huống để có cách ứng phó phù hợp. Những kỹ năng này cần phải được rèn luyện qua thời gian cũng như kinh nghiệm sống, không phải có thể có được trong “một sớm một chiều”.
Không thành công cũng phải thành bạn
Tất nhiên, không phải cuộc đàm phán nào cũng đều có thể kết thúc tốt đẹp. Sẽ có (rất nhiều) lúc cuộc đàm phán sẽ phải đổ vỡ do bất đồng quan điểm cũng như không thể dung hòa lợi ích của 2 bên. Khi đó, hãy luôn ghi nhớ là “không thành công cũng phải thành bạn”, biết đâu họ sẽ giúp bạn trong tương lai, kỹ năng “kết bạn” cũng là một trong những kỹ năng đàm phán trong kinh doanh rất quan trọng. Bởi lẽ, thêm bạn thì bớt thù, chân lí ấy vẫn đúng, ít nhất là cho đến thời điểm này. Cuộc đàm phán này không thành công không có nghĩa là không còn lần đàm phán sau. Nếu bạn “trở mặt” ngay sau khi kết thúc, rất có thể đó cũng là dấu chấm hết cho những quan hệ hợp tác tiếp theo.
Không có gì làm tăng sự tự tin của bạn nhanh hơn là cảm thấy rằng bạn đã thành công trong việc đàm phán và kết quả là bạn đã đạt được một thỏa thuận tốt. Và cũng không có gì làm giảm sự tự tin của bạn nhanh hơn là nghĩ rằng bạn đã thương lượng thất bại. Do đó, kỹ năng đàm phán là một phần quan trọng trong sự phát triển nhân cách và ý thức về hiệu quả cá nhân cũng như sự tự tin của bạn.
Khi nâng cao kỹ năng đàm phán và bạn trở thành một nhà đàm phán giỏi, sự tự tin của bạn cao hơn, bạn cảm thấy tích cực hơn đối với bản thân và những người khác trong mọi việc mà bạn làm. Với những chia sẻ trên đây, hi vọng rằng bạn sẽ sớm đạt được kết quả tích cực này.
Lê Hoài Phương - CareerLink.vn