Phương pháp đặt cam (có dấu và không dấu)

Việc lắp ráp trục cam vào động cơ để đảm bảo cho các xupáp đóng mở đúng thời điểm, đảm bảo đúng pha phối khí gọi là đặt cam.

Có hai cách đặt cam: Đặt cam có dấu và đặt cam không dấu.

I. Đặt cam có dấu

Đặt cam có dấu là quá trình lắp trục cam vào động cơ theo các dấu trên các bánh răng hoặc bánh đai (bánh xích) đảm bảo đúng các góc pha phối khí gọi là đặt cam có dấu

1. Các loại dấu và ý nghĩa của dấu

a. Các kiểu ký hiệu của dấu: Trên động cơ đốt trong thường sử dụng một số ký hiệu sau để đánh dấu

  • Kiểu chữ cái: O, A, B, C, N ...
  • Kiểu chữ số: 0, 1, 2, 3, 4 ....
  • Các ký hiệu khác: dấu chấm (•); gạch (_); tam giác (^); mũi tên (->,=>)...

b. Ý nghĩa của dấu

Các dấu dùng để xác định vị trí tương đối giữa các trục ứng với một thời điểm nhất định trong quá trình làm việc của động cơ, đảm bảo cho động cơ hoạt động tốt. Dấu xác định vị trí tương đối giữa trục khuỷu và trục cam được gọi là dấu đặt cam.

Khi lắp các bộ phận dẫn động phải xác định đúng các dấu tương ứng, khi đó động cơ mới hoạt động được

Ví dụ: O-OO; C-CC; N-NN, ...

0-0.0; 1-1.1; 2-2.2, ...

• - ••; ....

2. Trình tự đặt cam

a. Đối với dẫn động cam bằng bánh răng

  • Quan sát và nhận biết các dấu trên các bánh răng ăn khớp
  • Lắp trục cam vào thân động cơ.
  • Quay trục khuỷu và trục cam cho dấu trên các bánh răng cam và cơ hướng vào vị trí ăn khớp.
  • Lắp bánh răng trung gian vào sao cho các dấu trùng nhau
  • Bắt chặt bu lông hãm bánh răng trung gian
  • Lắp đệm mới và nắp che cụm bánh răng đầu trục

* Chú ý:

  • Các đệm và phớt chắn dầu khi lắp cần thay mới để đảm bảo không bị chảy dầu khi động cơ làm việc
  • Nếu không có bánh răng trung gian thì phải xoay trục cho các dấu hướng đúng vào vị trí ăn khớp trước khi lắp trục cam vào thân máy

b. Đối với dẫn động cam bằng đai hoặc xích

  • Quan sát và nhận biết các dấu trên bánh đai (bánh xích) tương ứng với các dấu cố định trên nắp máy và thân máy (Xác định dấu chính xác)
  • Lắp trục cam vào nắp máy
  • Quay trục khuỷu và trục cam sao cho các dấu trên bánh đai (bánh xích) trùng với các dấu cố định trên thân máy và nắp máy
  • Cố định trục cam và trục khuỷu, lắp đai dẫn động vào
  • Lắp bộ phận căng đai (hoặc căng xích) vào
  • Lắp các chi tiết hãm
  • Lắp nắp che bộ truyền đai (hoặc xích). Nếu là bộ truyền xích thì chú ý đệm làm kín phải thay mới để tránh chảy dầu

* Chú ý: Khi lắp đai dẫn động cần phải hãm cố định trục cam không để trục cam tự xoay làm sai lệch góc pha phối khí, quá trình đặt cam sẽ không chính xác.

II. Đặt cam không dấu

Khi trên các bánh răng (hoặc bánh đai) dẫn động không có dấu thì ta phải dựa trên nguyên lý làm việc của động cơ để tiến hành lắp trục cam đảm bảo các góc pha phối khí. Phương pháp này gọi là đặt cam không dấu. Có hai cách tiến hành đặt cam không dấu

1. Đặt cam chính xác

a. Điều kiện cần thiết để tiến hành đặt cam không dấu

  • Xác định đúng xupáp hút và xả ở từng máy
  • Biết trị số góc mở sớm, đóng muộn của xupáp hút hoặc xupáp xả
  • Chiều quay của động cơ

b. Trình tự tiến hành

  • Quay trục khuỷu động cơ để piston máy số một ở điểm chết trên.
  • Đánh dấu trên pu ly (hoặc bánh đà) tương ứng với dấu cố định trên thân máy
  • Xác định góc mở sớm xupáp hút, đánh dấu trên puly hoặc trên bánh đà
  • Quay trục khuỷu ngược lại một góc bằng góc mở sớm xu páp hút
  • Lắp trục cam vào động cơ.
  • Quay trục cam theo chiều làm việc của động cơ đồng thời quan sát con đội tương ứng với xupáp hút của máy số 1, khi nào con đội bắt đầu dịch chuyển thì dừng lại.
  • Cố định trục cam, lắp đai dẫn động (hoặc xích) vào
  • Lắp bộ phận căng đai.
  • Lắp các chi tiết hãm vào

Chú ý: Khi lắp đai dẫn động không để cho trục cam quay, nếu không quá trình đặt cam sẽ bị sai

2. Đặt cam gần đúng (theo kinh nghiệm): Phương pháp này dùng khi không biết trị số góc mở sớm, đóng muộn của các xupáp.

  • Quay trục khuỷu cho piston của máy số 1 lên ĐCT.
  • Lắp trục cam vào động cơ và quay trục cam cho đến khi vấu cam hút của máy số 1 bắt đầu tác động vào xupáp hút.
  • Đánh dấu thứ nhất trên puly (hoặc bánh đà) tương ứng với điểm cố định trên thân máy (hoặc nắp máy)
  • Quay trục cam theo chiều làm việc cho đến khi vấu cam xả của máy số 1 bắt đầu tách khỏi con đội (hoặc đuôi xupáp), lúc này xupáp xả bắt đầu đóng. Đánh dấu thứ 2 trên puly (hoặc bánh đà) tương ứng với dấu trên thân máy (hoặc nắp máy).
  • Đánh dấu thứ 3 chia đôi góc tạo bởi hai dấu trên puly (hoặc bánh đà). Thông thường ở các động cơ, góc mở sớm xupáp hút nhỏ hơn góc đóng muộn xupáp xả vì vậy ta nên đánh dáu hơi lệch về phía dấu thứ nhất (mở sớm xupáp hút)
  • Quay ngược trục cam lại để dấu thứ 3 trùng với dấu cố định.
  • Cố định trục cam, lắp đai dẫn động (hoặc xích) vào. Nếu các răng trên bánh đai (hoặc bánh xích) không trùng với các răng đai (hoặc xích) thì có thể quay trục cam đi một chút để các răng trùng với các rãnh trên bánh đai (hoặc xích)
  • Lắp bộ phận căng đai (hoặc căng xích)
  • Lắp các chi tiết hãm

* Nếu động cơ hoạt động không tốt có thể phải điều chỉnh lại góc đặt cam

https://www.oto-hui.com

Từ khóa